Tin BĐS

Xem thông tin cập nhật về thị trường

Nên tin thầy phong thủy tới đâu khi xây và sửa chữa nhà cửa?

Không ít gia chủ mỗi lần chuẩn bị xây hay sửa nhà là lại đi “coi” thầy phong thủy để nhận một bản “hướng dẫn”. Trong đó có nào là hình la bàn hướng nhà, ghi chú đặt bếp ở đâu, hướng nào, kích thước bao nhiêu, ngày giờ khởi công, động thổ…
Nên tin thầy phong thủy tới đâu khi xây và sửa chữa nhà cửa?

Gia chủ về đưa bản hướng dẫn trên cho kiến trúc sư thì họ thường than trời vì phải thay đổi bản vẽ nhiều chỗ. Nhiều người còn không đồng tình với các yếu tố phong thủy đó. Vậy, gia chủ nên tin thầy phong thủy hay tin kiến trúc sư?

Chuyện “nghe theo thầy phong thủy” khá phổ biến và lời giải nằm ở cách gia chủ xử lý quan hệ với các bên ra sao. Việc đi xem thầy phong thủy khi nhà đang làm mới tạo sự xáo trộn chứ nếu đưa yêu cầu phong thủy cho kiến trúc sư ngay từ đầu thì đã chẳng sao. Thế nhưng, không phải ai cũng biết điều đó.

Có 2 vấn đề mà gia chủ cần làm rõ, thứ nhất là việc thiết kế nhà hợp phong thủy không đơn thuần là có mấy gạch đầu dòng mà phải qua đủ các bước khảo sát – phân tích – định vị đầy đủ chi tiết. Kế tiếp là nghe theo các chỉ định phong thủy thế nào cho đúng và đủ.

Phải khảo sát và phân tích thực tế

Một điều khá chắc chắn đó là thông tin của các thầy phong thủy “chỉ dẫn từ xa” hay do gia chủ tự tìm tòi trên mạng sẽ không cụ thể và chính xác bằng khảo sát thực tế. Bước khảo sát hình thế không nên làm chỉ một lần mà phải nhiều lần theo những biến đổi của thời tiết, hoàn cảnh khác nhau…

Gia chủ cần nắm rõ thông tin miếng đất, căn nhà của mình thì mới cung cấp thông tin “chuẩn” cho nhà chuyên môn được, từ đó đánh giá và phân tích của họ mới chính xác. Ví dụ, nhà gần đường lớn thì phải có giải pháp khắc phục các tiếng ồn và ô nhiễm hoặc đơn giản là một trụ điện, miệng cống trước nhà cũng cần lưu ý giải pháp sao cho hạn chế mở cửa về vị trí đó.

Các chỉ định phong thủy cần rõ ràng và làm cơ sở cho thiết kế

Nghe thầy phong thủy bao nhiêu thì đủ?

Thầy phong thủy nói là một chuyện, hoàn cảnh cụ thể của gia chủ là một chuyện khác. Phong thủy dân gian truyền lại kinh nghiệm Nhất Mệnh – Nhì Vận – Tam Trạch – Tứ Đức, trong đó Trạch (chọn lựa nhà đất, thời điểm xây dựng) đứng hàng thứ ba.

Các yếu tố khác như Mệnh và Vận liên quan trực tiếp đến gia chủ (sức khỏe, tài chính, gia cảnh) và có tác động lâu dài. Khi làm nhà, gia chủ nên biết tự lượng sức mình mà chọn quy mô xây nhà tương xứng với nhân khẩu.

Đừng để lâm vào cảnh vay mượn nợ nần để làm nhà thêm tốn kém, gây các hệ quả xấu. Những chuyện này nhà chuyên môn hoàn toàn có thể tư vấn giúp gia chủ từ đầu để điều chỉnh thiết kế.

Gia chủ cần xác định rằng: những chỉ định nghe theo thầy phong thủy như hướng bếp, vị trí bàn thờ, kích thước cửa… chỉ là xử lý về mặt chi tiết kỹ thuật. Vấn đề cốt lõi của bố trí hài hòa phong thủy nằm ở phạm vi thiết kế chi tiết, từ bên ngoài vào nội thất, lấy gia đình gia chủ làm trung tâm. Không nhà nào giống nhà nào, phong thủy phải căn cứ từng tình huống cụ thể. Vì vậy, đừng vội nghe thầy phong thủy khi họ chưa đến tận nhà xem xét vị thế.

Các “lá sớ phong thủy” mang thông tin rất chung chung như tuổi này thì bếp hướng này chứ không quan tâm đến việc gia đình sinh hoạt ra sao trong căn bếp đó. Bản thân gia chủ và các thành viên trong nhà phải là yếu tố đặt lên đầu tiên. Thói quen sinh hoạt sẽ là nền tảng cho thiết kế. Về vấn đề này, các kiến trúc sư sẽ là chỗ dựa đáng tin cậy nhất cho gia chủ.

Sau cùng, viễn cảnh tốt đẹp nhất cho một căn nhà vừa “chuẩn phong thủy” vừa có thiết kế hài hòa vẫn là: tham khảo thầy phong thủy trước, sau đó thảo luận với kiến trúc sư để điều chỉnh cho phù hợp. Đừng để thiết kế giữa chừng mới đem “sớ phong thủy” về vì lúc đó việc chỉnh sửa sẽ vô cùng phức tạp.

Nhadathue.vn theo Thời Báo Kinh Doanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *